Chính thức lộ diện tại sự kiện WWDC 2023 vừa qua, kính thực tế ảo hỗn hợp Vision Pro của Apple đã thu hút sự chú ý của không ít tín đồ công nghệ lẫn giới truyền thông.
Tính tới thời điểm hiện tại, chỉ có một số ít phóng viên, nhà báo của các trang tin có cơ hội được trải nghiệm mẫu kính được đánh giá là 'cách mạng' này của Apple. Trong bối cảnh hầu hết giới truyền thông đều có đánh giá khá tích cực sau khi trải nghiệm Vision Pro, một số người lại có những phản hồi khá trái chiều về mẫu kính này, đơn cử như trường hợp của Joanna Stern, nhà báo của tờ Wall Street Journal.
Theo đó, mặc dù tỏ ra khá thích kính Vision Pro, việc đeo thiết bị trong khoảng 30 phút khiến cô cảm thấy buồn nôn, theo như video được nữ nhà báo này đăng tải. Song song đó, phần chóp mũi và trán của cô cũng trở nên ửng đỏ, với nguyên nhân chính được cho là do bị trọng lượng khá nặng của kính đè lên trong thời gian dài.
Được biết, nhà báo Lauren Goode của Wired cũng có trải nghiệm tương tự. "Việc mang kính Vision Pro suốt hàng tiếng đồng hồ khiến tôi tự hỏi về cảm giác sử dụng thiết bị trong thời gian dài. Khi bỏ thiết bị này ra, tôi cảm giác da đầu mình như được giải thoát", bà Lauren chia sẻ.
Bản thân Apple sau đó cũng có những giải thích sau khi Joanna Stern đăng tải video về trải nghiệm sử dụng Vision Pro. Theo Táo khuyết, bất kì sự khó chịu mà nữ nhà báo này gặp phải có thể tới từ miếng chặn sáng (light seal) của kính Vision Pro, vốn có kích cỡ chưa thực sự phù hợp với mặt người đeo.
Thông thường, các mẫu kính VR/AR thường sử dụng các miếng chặn sáng gắn trên thấu kính, vốn tạo ra độ khít giữa kính và khuôn mặt của người đeo nhằm ngăn ánh sáng ngoài lọt vào mắt khi sử dụng thiết bị.
Với riêng trường hợp của nhà báo Joanna Stern, Apple sau đó cũng chia sẻ với nhà báo này về việc người dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn về kích cỡ của miếng chặn sáng khi thiết bị này ra mắt vào đầu năm tới.
Trên thực tế, việc làm sao để đảm bảo người dùng có được sự thoải mái khi đeo kính VR/AR trong thời gian dài là mối quan tâm của các nhà sản xuất thiết bị thực tế ảo trong nhiều năm. Hầu hết các nhà sản xuất đều phải cố gắng cân bằng giữa việc nhồi nhét công nghệ cao cấp và pin vào một thiết bị cần được đeo chắc chắn và giữ cố định trên mặt người dùng.
Khi kính thực tế ảo Oculus Rift đầu tiên ra mắt, nhiều reviewer công nghệ khi đó cũng gặp phải tình trạng trán và má của mình xuất hiện các vết đỏ sau khi đeo kính trong một thời gian dài. Đó là lý do tại sao gần như kính VR/AR hiện có, chẳng hạn như Meta Quest 2, sử dụng nhựa cho lớp vỏ chính của thiết bị. Loại vật liệu này có trọng lượng nhẹ, vốn có thể giúp người đeo đỡ mỏi trán và mũi. Tất nhiên, việc sử dụng nhựa có thể khiến ngoại hình của thiết bị trông 'kém sang', thậm chí là rẻ tiền.
Với riêng Vision Pro của Apple, mẫu kính này sử dụng lớp khung bằng hợp kim nhôm, kèm theo một lớp kính đơn giản bên ngoài. Đây là lý do tại sao Vision Pro được đánh giá là trông đẹp hơn nhiều so với các mẫu kính đối thủ. Mặt khác, việc sử dụng loại vật liệu này lại tăng thêm trọng lượng tổng thể của thiết bị. Do vậy Apple đã giúp giảm thiểu điều đó bằng thiết kế dây đeo độc đáo, song song với việc sử dụng bộ pin gắn ngoài vốn có thể đeo ở thắt lưng người dùng.
Có thể thấy, Apple đã phải đánh đổi giữa thẩm mỹ của thiết bị và sự thoải mái của người dùng khi thiết kế Apple Vision Pro, thay vì tầm nhìn của một thiết bị gọn nhẹ, với viên pin được tích hợp sẵn ngay trong kính. Đương nhiên, những thay đổi này có hiệu quả về mặt thoải mái khi đeo hay không sẽ sớm được làm rõ khi Vision Pro ra mắt vào năm sau.